Home » , » Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (p1)

Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống (p1)

Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống
(Evangelium Vitae)


Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II

Công bố ngày 30.3.1995



Lời giới thiệu của Đức Hồng Y A. L. TRUJILLO
Chủ Tịch hội đồng Toà Thánh về Gia đình

1. Thông Điệp này, bức thông điệp thứ mười một trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, là một giải đáp mang tính lịch sử và đầy ý nghĩa trước những xâm phạm hết sức nghiêm trọng chống laị sự sống con người.
Thông điệp đã được các hồng y đồng loạt yêu cầu soạn thảo khi các Ngài nhóm họp Hội Nghị bất thường do Đức Thánh Cha triệu tập tại Rôma, từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 7 tháng Tư năm 1991. Qua một lá thư gởi riêng cho từng vị Giám Mục, tất cả các Ngài đều được tham khảo ý kiến về một hiện tượng kinh hoàng mang những tầm mức lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử, mà lại thường được luật dân sự tán đồng và được biện minh rộng rãi bởi nền văn hoá của sự chết.

Như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh, Thông Điệp này thành quả bởi sự cộng tác của hàng Giám Mục ở mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Như vậynó muốn là một lời khẳng định minh bạch và kiên quyết về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người. Thông Điệp này cũng muốn là một tiếng gọi tha thiết nhân danh Thiên Chúa gởi đến tất cả và đến mỗi người, là hãy tôn trọng, hãy bảo vệ, hãy yêu mến và phục vụ sự sống, mỗi một sự sống con người .

Thông Điệp Tin Mừng về sự sống biểu lộ một sức mạnh tập thể đặc biệt trong Giáo Hội, một Giáo hội ý thức sứ mệnh của mình phải bênh vực con người là hình ảnh Thiên Chúa, và ý thức về bổn phận bảo vệ toàn thể nhân loại trước những thách đố cực kỳ lớn lao này.

2. Ngay từ bức Thông Điệp đầu tiên, Đấng Cứu Chuộc con người (4.3.1979), trong cương vị kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã tập trung giáo huấn của Ngài vào Chúa Kitô, Đấng Cức Chuộc con người, và vào sự gặp gỡ mang tính cứu độ của Chúa với cuộc sống cụ thể của con người ngày nay, con người được biểu theo thực tại, công việc, đời sống xã hội, sứ mệnh trong Hội Thánh, theo nhu cầu được tha thứ, và theo hành vi luân lý của mình. Trong mọi lãnh vực đó, luôn vẫn chính là con người đứng trước tác động cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng cứu thoát con người trong thưc tại cụ thể của họ.

Thông Điệp Tin Mừng về sự sống tóm được sứ điệp đa dạng và đồng nhất này: “Tin Mừng về sự sống nằm ở ngay trung tâm sứ điệp của Chúa Giêsu”.

Để minh hoạ tính cách yếu lược và tổng quát của Thông Điệp ngay từ lúc khởi thảo, cần nhắc lại ở đây những tương quan với mỗi tài liệu khác nhau về nội dung đã được ban hành trong triều đại Giáo Hoàng này, như: Familiaris consortio, Thông Điệp Veritatis splendor, nhắc nhở lại nền tảng của phán đoán luân lý, Thông Điệp Centesimus annus và Thư gởi các gia đình, mà Thông Điệp Tin Mừng về sự sống muốn nối tiếp theo, hay đúng hơn, muốn bổ túc thêm (x. số 6).

Qua các trưng dẫn trong Thông Điệp này ta có thể đọc lại Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II, cũng như Thông Điệp Sự sống con người của Đức Phaolô VI. Viêc bênh vực sự sống qua giáo huấn thường ngày và qua công tác mục vụ của Đức Gioan Phaolô II là yếu tố được nhấn mạnh cách sâu sắc, liên tục và khẩn thiết hơn cả trong Thông Điệp này. Đức Thánh Cha cũng thường trưng dẫn những văn kiện của Thánh Bộ về Giáo Lý Đức Tin, đặc biệt là Huấn Thị Donum vitae (Ơn ban sự sống). Cũng rất hợp thời khi Thông Điệp được ban hành sau cuốn sách Giáo Lý của Giáo hội Công Giáo, là văn kiện có tầm quan trọng lớn, và Thông Điệp liên tục qui chiếu về văn kiện này.

3. Như nhan đề cho thấy, Thông Điệp Tin Mừng về sự sống mong mỏi trước hết được là một lời loan báo, một lời công bố hân hoan về ơn ban sự sống.

Đức Giáo Hoàng muốn nắm tay đọc giả để dẫn họ vào sự hiểu biết sẽ trở thành lời chúc tụng, nguyện cầu và tiếng hát. Mặc dầu tính vững chắc của suy tư và sức mạnh của lý chứng, trong một cuộc đối thoại đòi sự dấn thân và có sức lôi cuốn, lời lẽ của Đức Thánh Cha co thấy nơi Ngài khả năn thán phục, sửng sốt và khả năn chiêm ngưỡng chân lý và dâng lời tán tạ. bức Thông Điệp trở thành như một bài thánh thi, một bài hát ca ngợi sự sống. Tôi nghĩ rằng khám phá ra phương diện này, như nền tảng của Thông Điệp, là điều quan trong, tuy rằng không vì thế mà coi nhẹ những mối bận tâm mà Đức Thánh Cha bộc lộ, những bận tâm ấy đã trở thành những lời phi bác mang tính ngôn sứ, thành những chỉ dẫn có tính cách đòi hỏi và đồng thời là chứng từ mạnh mẽ và long trọng khác thường. Nhưng sự phi bác để bênh vực chân lý luôn luôn mở rộng đón chờ việc hoán cải.

Can đảm bảo vệ những người nghèo khổ nhất

Tôi muốn lưu ý quí vị một phương diện khác nữa: Thông Điệp Tin Mừng về sự sống là một lời bênh vực can đảm và kiên quyết cho những người nghèo khổ nhất, những người yếu đuối nhất, những người không được bảo vệ, những người vô tội nhất: đó là những trẻ em sẽ được sinh ra, những người nghèo, những người quẫn bách. Thông Điệp không trình bày những đề tài tách biệt hay xa lạ, nhưng trong một bầu khi cảm thông, nó tiếp cận và xuyên suốt những thảm kịch có liên quan tới chúng ta.

Tôi xin phép được nêu lên một so sánh. Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ cách thức mà Thông Điệp Rerum novarum (Tân sự) đã được đón nhận, như một việc tiến lại gần nhau giữa Giáo hội và giai cấp công nhân. Chúng ta có thể nói rằng Thông Điệp Tin Mừng về sự sống tạo nên sự gần gũi trong tình liên đới với những người nghèo, trước những kẻ có quyền lực; Giáo hội đã ra tay bênh vực người nghèo, điều mà Giáo hội coi như một vinh dự và một bổn phân cấp bách đòi hỏi phải dấn thân. Chúng ta hãy nghe lời Đức Thánh Cha trong bức thư gởi cho mỗi vị trong toàn thể các Giám Mục dịp lễ Ngũ Tuần năm 1991, bức thư này tiếp nhân những thỉnh nguyện của các Hồng Y và như thành quả của Hội Nghị bất thường đã nói tới trên đây, bức thư ấy thật sự đã hàm ý loan báo Thông Điệp Tin Mừng về sự sống. Sau đây là lời của Đức Thánh Cha được Thông Điệp trích dẫn: “Như cách đây một thế kỷ, khi giai cấp công nhân bị bóc lột những quyền căn bản của họ, thì Giáo hội đã rất can đảm bênh vực họ bằng cách công bố những quyền thánh thiêng của nhân vị người lao động, ngày nay cũng thế, khi một lớp người khác bị đàn áp về quyền căn bản là sự sống, thì Giáo hội cảm thấy mình cũng phải anh dũng lên tiếng thay cho người không có tiếng nói. Giáo hội luôn luôn kêu lên tiếng kêu của Tin Mừng để bênh vực những người nghèo trên thế giới, những người bị đe doạ, bị khinh dể, bị tước đoạt nhân quyền” (số 5).

Nhiều dịp Đức Thánh Cha nhắc tới những người yếu đuối nhất, mà quyền lợi bị chà đạp, những người bị tổn thương, nơi họ là những hữu thể nhân linh, các nhân vị và ngay cả Thiên Chúa đều bị thiệt hại.

Đó không phải đơn giản chỉ là một cái nhìn xã hội, chính trị hướng về những con người yếu đuối và nghèo khổ nhất, coi họ như là một “giai cấp” theo nghĩa hạn hẹp, nhưng đồng thời cũng là tấm lòng của vị mục tử đi vào chiều sâu bằng cách biểu lộ sự ân cần của vị mục tử tốt đối với đoàn chiên và với từng con chiên. Đó là tấm lòng của người Samaritano nhân hậu. Đây là vấn đề về một thảm kịch xã hội lịch sử, cực kỳ nghiêm trọng, mà Giáo hội coi như liên quan tới chính bản thân mình. Một thảm kịch càng bi đát khi mà sức mạnh và những tham vọng của các kẻ có quyền lực càng lớn, kể cả những phương tiện họ nắm trong tay nữa. Đây là vấn đề về một sự đối nghịch nặng nề chứng tỏ một mâu thuẫn hổ nhục. Những của cải mà các kẻ có quyền lực thụ hưởng dự dật không bao giờ mở lòng mở trí con người hướng tới tình liên đới cả, nhưng là tới một âm mưu chống lại sự sống. Trước thảm kịch lan tràn rộng khắp này, Giáo hội không thể làm thinh, và lời Giáo hội công bố về sự sống, một lời công bố phúc hạnh, trở thành lời chất vấn, lời phản kháng, lời kêu gọi hoán cải và lời động viên có tính lịch sử mọi năng lực để phục vụ sự sống.

Vì tính cách mới mẻ, nghiêm trọng và phổ biến của chúng, những điều xâm phạm đến sự sống được coi như một cơn khủng hoảng, một sự mất mát các giá trị, một sự dữ, mà Đức Giáo Hoàng đã nói tới trong bức thư gởi các gia đình. Những nạn nhân của các lề luật bất công là những trẻ em được sinh ra, các bệnh nhân, những người già cả - những nhóm người được xác định rõ ràng- nhưng đó cũng là những dân tộc nghèo vì bị áp lực bởi những nền chính trị nhân khẩu học. Vì sự phản bác này, một lần nữa, những người nghèo trên thế giới, những con người trung thành với nền văn hoá sự sống, sẽ rất biết ơn Đức Giáo Hoàng.

Một cuộc chiến mang nét vượt qua (1)

Trong Thông Điệp Tin Mừng về sự sống tình trạng nghiêm trọng và thê thảm này của người nghèo được nhìn trong nhãn giới một sự căng thẳng, một cuộc chiến có ranh giới xác định rõ ràng: cuộc chiến của nền văn hoá sự sống chống lại nền văn hoá sự chết, của những sức mạnh giữa điều thiện và điều ác, không phải chỉ là cuộc xung đột về lịch sử xã hội, chính trị, kinh tế (những phương diện đã được đề cập đến nhiều trong các Thông Điệp xã hội), nhưng là một cuộc chiến được hiểu theo trực giác do đức tin chỉ dẫn, trong nhãn giới của mối căng thẳng và của cuộc chiến vượt qua (lutte pascale). Đây không phải là cuộc chiến mà Giáo hội tìm kiếm, nhưng thực tế nó có mặt trong lịch sử, một lịch sử bị công hãm cũng như chính cuộc sống bị công hãm bởi tình huống đặc biệt này: những sức mạnh của sự dữ tập trung lại bao quanh thảm kịch của con người, có lẽ như đã từng xảy ra qua suốt dòng lịch sử. Đó không phải là một cuộc chiến được chọn lựa, nhưng là một cuộc chiến được xây dựng trên ý thức, nhờ ánh sáng đức tin, về một thưc tại tàn bạo và vô nhân. Giáo hội chọn lựa con đường bênh vực quyền của những người yếu đuối nhất và Giáo hội mở ra cho thế giới con đường hy vọng. Người ta biết được nỗi khó khăn cực kỳ cũng như những chênh lệch, những bất quân bình đang tồn tại trong thế giới ngày nay, nơi đó sự dữ lan tràn một cách có tổ chức và được hệ thống hoá, tiếp theo sau sự băng hoại về luân lý và việc sụp đổ những hàng rào bảo vệ sự sống. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ toàn thắng! Đức Chúa của Phục Sinh, của sự sống, đã chiến thắng trên thập giá.

4. Thông Điệp Tin Mừng về sự sống cũng bênh vực và nâng đỡ tất cả những ai bị tấn công bởi nền văn hoá sự chết trong những xã hội bệnh hoạn, vì cuộc khủng hoảng sâu sắc về luân lý cũng là cuộc khủng hoảng về các giá trị (Thư gửi các gia đình, số 13), một cuộc khủng hoảng làm lu mờ và ngay cả xúc phạm đến chân lý, một cuộc knủng hoảng che giấu và vây hãm chân lý (x. Rm 1,18). Khi thiếu bánh chân lý, thứ bánh của tinh thần, thì con người sẽ suy nhược và bệnh hoạn.

Trong sự lộn xộn con người muốn lấy sự dữ làm sự thiện, lấy sai lạc làm chân lý, lấy những “phạm pháp” làm “quyền lợi”.

Đức Thánh Cha ra tay nâng đỡ những nạn nhân của tấn bi kịch tinh thần này, dù họ ở trong hay ở ngoài Giáo Hội.

Khi sự suy tư về sự dấn thân trong tư cách là Thầy và Mục Tử của Đấng Đại Diện Chúa Kitô được biểu lộ trong Thông Điệp Tin Mừng về sự sống, tôi nhớ lại giáo huấn của Thánh Augustinô: “Trong mọi trường hợp, qui luật tối hảo là trước hết phải đưa những người yếu đuối và chao đảo vào náu ẩn trong pháo đài đức tin cho khỏi những cuộc tấn công, và sau khi họ đã được bảo đảm an toàn, phải chiến đấu thay cho họ với tất cả sức mạnh của lý trí” (Thư 118, 5,32).

Trong ý thức này, Thông điệp nhằm phục vụ toàn thể nhân loại nhữg tín hữu cũng như những người vô tín, và Thông Điệp là như kết quả trực tiếp phát xuất từ nỗ lực quảng đại mà Đức Giáo Hoàng thể hiện trong Năm Quốc tế về Gia Đình, cũng như những gì ngài đã làm liên quan tới Hội nghị ở Cairô.

Chúng ta gặp thấy trong Thông điệp một tổng hợp chặt chẽ và năng động về đức tin và lý trí.

Đức Thánh Cha muốn dẫn đưa các tín hữu vào “trong pháo đài đức tin”. Thông Điệp là một suy tư sâu sắc về đức tin và một bài suy niệm cảm kích về Lời Chúa.

Điều cần lưu ý nữa về đặc tính và bản sắc của Thông Điệp, đó là vị thế thần học và kitô hướng biểu hiện qua suốt bản văn: Chúa Kitô giúp ta nhận ra được giá trị của sự sống con người, Ngài là chuẩn mực luân lý cho việc bênh vực sự sống và phẩm giá con người. Thông Điệp chúng ta đón nhận đây không phải chỉ đơn thuần mang tính đạo đức nhưng đã được soạn thảo trong một nhãn giới thần học rộng lớn. Và chúng tôi muốn lưu ý ngay rằng điều đó không loại bỏ tính cách tự nhiên của giá trị sự sống, cũng như nền tảng hữu lý của nghĩa vụ tôn trọng và bênh vực sự sống con người. Đó là một đề tài được thường xuyên nhắc lại trong Thông Điệp (x. số 2, 29, 30, 34, 49, 57...).

Không cần chứng minh tỉ mi nhãn giới thần học này. Nhan đề bức Thông Điệp tự nó đã mang tính biểu trưng rồi. Mỗi chương được bắt đầu bằng một đề tài Thánh Kinh: máu Aben từ đất kêu lên tới Thiên Chúa (ch. I), “Chúa Kitô, Ngôi Lời ban sự sống” (ch. II), “Ngươi chớ giết người” (ch. III), “Chính cho Ta mà các con đã làm điều đó” (ch. IV). Và những tiểu mục trong các chương cũng được khai triển từ một bản văn Thánh Kinh. Nhưng toàn thể Thông Điệp, đặc biệt là chương II cốt yếu mang tính chất Thánh Kinh, là một nhắc nhở liên tục và cảm kích về Lời Chúa và về những nhãn giới đức tin. Hơn nữa tất cả các đầu đề tiểu mục đều tương ứng với một bản văn Kinh Thánh.

Người ta tự hỏi liệu phương diện Thánh Kinh này của Thông Điệp có làm giảm đi tính cách tự nhiên của giá trị sự sống, một giá trị phổ quát cho mọi người, và là giá trị nền tảng sánh với những giá trị khác và những quyền của con người hoặc là phương diện ấy có đẩy lui căn bản thuần lý của nghĩa vụ bênh vực sự sống xuống hàng thứ yếu, bằng việc hầu như chỉ gửi sứ điệp này tới các tín hữu mà thôi không?

Chính Thông Điệp sẽ giải đáp nghi vấn này khi cho thấy rằng những giá trị của nhân vị, của nền dân chủ và của xã hội đều được đề cao và được củng cố bởi đức tin, rằng những giá trị ấy không bị thay thế hoặc làm suy giảm. Và đàng khác, Thông Điệp quả quyết rằng sự kiện mất Thiên Chúa và mất nhãn giới về siêu việt, là những đòi hỏi tự nhiên nơi con người, cũng đồng thời gây nên sự mất mát ý thức về con người. Giáo huấn của Thông Điệp giúp ta hiểu rằng chỉ nhờ ánh sáng Chúa Kitô con người mới có thể được đánh giá và cứu độ cách đầy đủ, mà vai trò của lý trí, được đức tin hoàn
thiện hoá chứ không đè bẹp, vẫn không bị suy giảm.

Khi giải thoát con người khỏi bị người khác hay xã hội khuất phục theo cái nhìn của thuyết nội tại và duy vật thì mối tương quan liên hệ của sự sống trần gian nơi con người với đức tin và với tiếng mời gọi đến sự sống vĩnh cửu làm cho niềm tin vào sự sống tại thế trở nên quí giá hơn, đó là sự sống phải được nhiệt tình phục vụ, như Chúa Kitô đã dạy và đã làm.

Quan điểm này là viễn tượng tối hảo, trước hết để vượt thắng “sự phân cách giữa niềm tin Kitô và những đòi hỏi đạo đức của niềm tin này đối với sự sống” (số 95). Quan điểm trên cũng đòi phải suy nghĩ về điều này: “tái khám phá mối liên hệ bất khả phân giữa những giá trị nhân bản, tức giữa sự sống và tự do, giữa sự sống và chân lý, là điều tối quan trọng” (x. số 96).

Chính ở đây mà cuộc đối thoại cần thiết đã mở ra, và ta có thể “chiến đấu ... bằng tất cả sức mạnh của lý trí”.

5. Ta thấy rõ rằng ơn ban sự sống được nối liền với gia đình, là cung thánh của sự sống. Đó là ý định của Thiên Chúa từ khi tạo dựng, không những chỉ bằng sự cộng tác vào công trình tạo dựng ở lúc thụ thai, nhưng còn kéo dài suốt quá trình giáo dục (như một cuộc đồng tạo dựng toàn diện), là một quá trình phải làm cho mỗi con trẻ, mỗi nhân vị lớn lên theo hình ảnh Thiên Chúa, và giống như Ngài, nghĩa là theo như hình tượng tối hảo là chính Chúa Kitô.

Như vậy gia đinh là môi trường tự nhiên, bình thường và thích hợp nhất cho sự sống, chính trong gia đình mà sự sống được đón nhận, bảo vệ và phát triển. Qua suốt cuộc sống, trong những tình huống khác nhau, mọi người đều có liên hệ với gia đình, với trẻ em, thanh thiẽu niên, người cao tuổi, và với những người bệnh tật. Gia đình là ngôi trường của nhân loại, nơi mà Tin Mừng về sự sống vang lên cách tuyệt vời, nơi mà sự sống chiếu giãi cách bình thường dưới ánh rạng ngời của phẩm giá trong khung cảnh yêu thương, tận tuỵ và âu yếm mà mọi nhân vị đều có quyền hưởng. Đó là nơi mà nền văn hoá sự sống phát sinh, nơi mà sự sống được công bố khi thụ thai, như một tin phúc hạnh trong Chúa Kitô, nơi mà sự sống được tôn dương và nơi kiến tạo tương lai cho nhân loại, một nhân loại được coi như trung tâm điểm và trái tim của nền văn minh tình yêu.

Mọi ý tưởng chỉ đạo đều được nhắc lại và là những điểm nòng cốt của sứ điệp. Nếu tất cả mọi người đều được mời gọi bênh vực sự sống, thì đó là bổn phận đặc biệt và hàng đầu của gia đình. Xã hội, Nhà Nước và mọi thành phần quốc gia phải hỗ trợ gia đình. Ở đây ta có thể đánh giá cao về sự liên tục và tính phong phú của Thông Điệp, như Đức Thánh muốn, trong tương quan với bức Thư gửi các gia đình, và với Năm quốc tế về gia đình. Đức Thánh Cha nói: “Khi tôi nghĩ tới những kinh nghiệm phong phú trong Năm quốc tế về Gia đình, và để nói lên một lời kết thúc cho bức Thư mà tôi đã gửi “mỗi gia đình cụ thể ở khắp mọi miền trên thế giới”, tôi lại tin tưởng hướng nhìn tới các gia đình và tôi cầu mong sự dấn thân của mọi người để nâng đỡ gia đình được tái sinh và tăng cường ở mọi mức độ, để ngày nay, giữa nhiều khó khăn và đe doạ nặng nề, gia đình vẫn còn liên tục tồn tại là một “cung thánh của sự sống (số 6), như Thiên Chúa muốn.

6. Thông Điệp Tin Mừng về sự sống không chỉ nói với các gia đình, nhưng với tất cả mọi người, như Thông Điệp nêu rõ với sự dấn thân quyết liệt vì nền văn hoá sự sống: tín hữu và người vô tín, các Kitô hữu với tất cả sự phong phú của hoạt động đại kết; tất cả đều có trách nhiệm trong Giáo Hội, giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, giáo dân và những người thiện chí. Đây là thời điểm quan trọng đối với những phong trào vì Sự Sống và đối với những phong trào mục vụ gia đình, với các nhóm, các hiệp hội. Các chính trị gia, các nhà làm luật, là những người mang trách nhiệm lớn lao, đều được khuyến cáo cách đặc biệt.

Như vậy, không ai có thể nghĩ là mình ít liên hệ hay có thể trốn tránh trách nhiệm này. Đối với những người tin cách hiển nhiên vào Chúa của sự sống thì trách nhiệm ấy lại càng cấp bách và rõ ràng hơn nữa. Tất cả mọi người, cá nhân, đoàn nhóm, xã hội và dân tộc đều có trách nhiệm. Riêng những người lo về sức khoẻ và Viện Hàn Lâm giáo hoàng về sự sống mang một trách nhiệm đặc biệt.

Sau cùng Đức Thánh Cha nhắc lại câu nói của thánh lrênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, nhưng sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa” (Chống lạc giáo IV, 20, 7).

Đó là sự sống vĩnh cửu, nơi vinh quang chiếu sáng trọn đầy, thứ vinh quang đã khởi đầu từ lúc con người được thụ thai. Vinh quang từ tạo dựng đến công chính hoá… từ đức tin đến vinh quang của ơn hưởng kiến, từ vinh quang làm cho ta trở thành con Thiên Chúa đến vinh quang biến đổi ta nên giống Ngài…” (Thánh Augustinô, Về Chúa Ba Ngôi, 14, 16, 22).

Hồng Y Alfonso López Trujillo
Vatican, 30.3.1995

----
(1) Une lutte aux traits pascals

Góp nhặt bởi : Hà An - Vài lời tâm sự

Tôi chỉ là một thành viên vô dụng của nhóm Bảo Vệ Sự Sống Thái Hà, muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình chống lại thảm họa phá thai, chống lại nền văn hóa sự chết đồng thời vun đắp cho nền văn minh sự sống và tình yêu thương. Mượn lời của Mẹ Teresa thì những việc tôi làm chỉ như giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có thì hẳn đại dương sẽ thiếu đi một giọt nước.

0 bình luận:

Đăng nhận xét